Vũ Thư Nguyên

Y là Nghề, Văn, Thơ, Nhạc là Nghiệp

Khoảng Cách

 

sa

 

Truyện nầy viết năm 1990 đúng hai giáp con Ngựa về trước.
Bối cảnh truyện là cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào biên giới phía Bắc ngày 17 tháng 2 năm 1979. Cốt chuyện là hư cấu nhưng dựa trên một số tình tiết…có thật. Vì hư cấu nên có chỗ không đúng sự thật, như trong trận đánh ở phía Bắc, không có một đơn vị nào từ miền Nam gửi ra tham chiến cả.
Cũng xin người đọc miễn thứ cho những tiếng chửi thề vì tác giả muốn truyện phản ánh người thật, việc thật. “Tiếng chửi thề ở Mỹ không phản ánh đúng trình độ văn hoá hay tư cách của cá nhân người chửi thề. Chửi có văn hoá khác chửi thề không văn hoá, tuỳ theo trường hợp.”

Tác giả đi lượm lại trên các thư viện mạng: http://bit.ly/1i9Mwbv
và thêm bớt đôi chỗ, cố kiểm tra lỗi chính tả, có thể còn sót vài chữ. Từ từ sẽ tính.

Truyện cũng là bối cảnh cho bài hát “Diễm Khúc” viết chung với Pham Ngoc.

Một…

– Con bé hát bài “Xuân Chiến Khu” tối qua hay quá nhỉ?
Người lính ngưng âm ư bài hát mà hắn ưa thích, đưa tay sửa điếu thuốc Điện Biên đang ngậm trề môi, hít một hơi dài thỏa mãn. Mười ngón tay mỏng manh thư sinh như chỉ quen với bút mực, thành thạo, thoăn thoắc chùi súng trong tư thế ngồi xổm kia, đã lâu. Cũng lạ, khi xưa bọn học sinh miền Nam vẫn cười mấy chàng bộ đội miền Bắc, sinh Bắc tử Nam, ưa ngồi xổm, lê la ngoài đường phố như thiên hạ đang đi  ..ị.. vất bên những trụ đèn. Bây giờ, hai người lính mới đã “chính quy hóa” cái thế ngồi hiện đại kia, vừa sạch sẽ, vừa có thể di động dễ dàng, như khi bị địch tập kích có thể nhào vào bụi khá nhanh để phản kích. Cái thế ngồi trên “đỉnh cao trí tuệ” đã cứu không biết bao nhiêu mạng bộ đội, không biết bao nhiêu lần. Ngồi bệt, tuy thoải mái, nhưng cũng dễ ăn đạn lắm.
– A Lin. Cô ấy trông thắm ra phết?
Thắm. Màu mè. Điệu. Con gái dân tộc miền núi đến tuổi cập kê thường ăn mặc rất sặc sỡ nhất là vào những dịp hội hè. Vùng Lạng Sơn, Cao Bằng nầy đa số người dân tộc là người Tày, Nùng. Họ thường có bà con với một số bộ tộc bên Quảng Tây. Họ nói sành sỏi hai thứ tiếng, Việt và Quảng, và cũng không theo phe nào. Chính quyền Việt Nam thường dụ dỗ họ theo ta, cho họ những đặc khu tự trị. Động là họ cũng ngả về phía Trung Quốc ngay.
– Ấy, đừng nói bạo thế. Tớ đã thương một người rồi?
– “Diễm Xưa” rồi bố!
Không biết bao nhiêu “Diễm Xưa” như thế, với cuộc chiến tiếp nối đã trở thành những “chị Dậu”. Những người vợ thủ tiết chờ chồng, để từng đêm trăn trở trong mùng không chiếu quạnh, để tiếc nuối tuổi xuân đi qua, để cho tiếng thở dài nối tiếp nhau từ vách nhà nầy qua vách nhà kia, quấn quýt trong đêm thâu. Hay cùng lắm thì cứ lơ mơ với vài đồng chí huyện ủy nầy, bí thư chi bộ kia vì biết chờ đến bao giờ. “Diễm Xưa” hay “chị Dậu”, loại đàn bà nào đi nữa thì cũng khổ như nhau mà thôi.
– Tôi thấy cậu “mệt” con bé ấy, “Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây” rất hay rồi cứ tò tò theo cái ấy đến suốt nửa đêm kia kìa. Còn anh chàng Sơn bên A3 nữa. Các cậu trước học cùng trường phải không?
– Đâu có, nó dẫn tôi đi đàm phán với mấy thằng Chệt. Anh không biết trong khi mình có văn nghệ bên này, lũ Chệt cũng lén qua nằm phục trong bụi nghe lén. Tụi nó “Bắc Cạn” đến “ngoắc cần câu” sáng ra còn đấm đá mẹ gì nữa.
“Bắc Cạn” là nhậu rượu mạnh. Theo tin thám báo thì địch vẫn thường lén theo đồng bào miền núi, mò đến những buổi sinh hoạt của bộ đội Việt Nam để thưởng thức lén. Ban ngày lại ghìm họng súng bắn nhau.
Người lính giữ khẩu B-40 chợt im lặng. Anh đứng lên quàng khẩu súng phóng lựu ngang vai như kiểu người ta quàng thanh đòn gánh. Hai cánh tay vắt lên thanh súng, anh đứng nhìn xuống thung lũng. Buổi chiều đã chìm xuống trên cánh rừng thưa biên giới. Mây bay thật thấp. Khoảng rừng đã bị đại pháo của địch đục khoét thành những cối chày khổng lồ, giã nát không biết bao mạng người. Bên kia con đường đất đỏ những chiếc quân xa phủ kín bụi đường lười biếng tới lui. Đưa người sống ra trận, và kẻ chết trở về. Văng vẳng xa xa tiếng vượn hú của vợ gọi chồng, mẹ trông con, đu đưa theo làn gió nhẹ vờn sóng trên rừng già. Dưới kia thung lũng, non mươi cây số về phía Bắc là Ái Nam Quan. Chỉ khoảng đất bằng, đi qua hai vách núi ngày xưa là đất hiểm trở mà cha ông đã phục kích và đánh tan không biết bao nhiêu đoàn quân xâm lăng của Bắc Phương. Vùng đất ấy bây giờ tăng của địch cày nát thành đất đỏ. Ðỏ, vì nó thắm không biết bao nhiêu máu đào và xác người đổ xuống. Thực tế thì Trung Quốc đã chiếm giữ Ải Nam Quan từ hồi năm 1969 sau trận Tổng Công Kích và Tổng Nổi Dậy năm 1968 ở miền Nam. Họ xây một tuyến đường sắt kéo dài từ Quảng Tây xuống tận Ải Nam Quan lấy cớ là tiếp liệu cho quân đội Việt Nam. Năm nay, sau khi đám “quân tình nguyện” Việt Nam giải phóng được Nam Vang thì bọn Trung Quốc ồ ạt kéo tăng qua cửa ải và tiến sâu vào lãnh thổ ta để dạy cho Việt Nam một bài học. Đám lính mới được gửi lên từ vùng Trị Thiên và Quảng Nam-Đà Nẵng cùng với địa phương quân chết cũngtrên mươi vạn trong vòng tuần lễ đầu giao tranh.
Người lính ngồi xổm đã ráp xong khẩu súng của mình, đưa súng lên ngắm bắn vào bụi rậm.
– Mục tiêu bên trái, cự ly một trăm mét, thước ngắm ba, đạn ba viên, thời gian không hạn chế, tự động…bắn.
– Bố. Tối bỏ xừ mà bắn cái nỗi gì. Này cậu, Sơn làm tôi nhớ đến Bé, cũng nhanh nhẹn như thế. Cậu biết không, lần chúng tớ giải phóng tỉnh Sông Bé…
Hắn vẫn thích kể lại cho đám lính mới nghe cái chuyện về người đồng đội tên Bé của hắn. Cái chết của Bé cứ vằn vặt ám ảnh hắn. Say sưa kể đi kể lại cái chuyện cũ mèm ấy. Chuyện kể, Bé như một người điên, nhảy phóc vào một chiếc M-113 của quân đội Cộng Hòa, lái bừa lên xác người, sống cũng như chết. Mãi cho đến khi một trái bom CBU nện xuống trận địa, chiếc thiếc giáp mới ngừng. Khi người ta lôi xác Bé ra, máu người lính ứa trào ra khóe tai và mắt. Chết ngộp vì thiếu dưỡng khi trong vùng chân không. Bây giờ bọn lính vùng “đất cày lên sỏi đá” ra chiến trường Lạng Sơn mới thấy chết vì tăng Trung Quốc nghiền nát như thế nào.
– Anh đã cho tôi nghe nhiều lần rồi

– Thế hả…
Như người mê sảng vừa được thức tỉnh, người lính đổi đề tài thật lẹ:
– Ừ, tí cậu lên B họp với chính ủy, mượn đằng ấy cái que móc dép nhé… Này hút thuốc không?
Như thể hối lộ cái việc mượn que móc quai dép râu thường hay bị sút, hắn quăng gói thuốc lại phía người cầm súng B-40.
– Thích. Nhưng có khùng. Giờ nầy tối rồi hút thuốc chỉ để ăn đạn hay sao?
– Ừ nhỉ. Địt chị thằng Chệt.
– Ừ. Con pà nó, mình không được hút thuốc.
Chiều hôm ấy, giữa rừng thưa trụi lá, có hai con vượn người ngồi xổm, cười ngất cho đến khi đêm xuống rồi lăn ra đất mà nằm ngủ, ôm ấp giấc mơ ngày về, một đứa trong hai quả B-40 và đứa kia, một khẩu AK mới chùi ráp…

Hai…

Người lính ấy loay hoay đi tới, đi lui cố tìm đường ra khỏi khoảng rừng rậm rạp mà vẫn không tìm thấy lối. Lũ cóc nhái chực mưa rừng vừa tắt đã reo hò inh ỏi để ăn mừng. Những giọt nước mưa rịn ra từ vành mũ tai bèo trĩu xuống lá rừng lộp độp, gõ nhịp theo tiếng giày vải sô ướt sũng sột soạt lê bước trên những mảng rau muống rừng trải thãm giăng ngang những con suối cạn. Hai trái B-40 đong đưa trước ngực vỗ nhịp quân hành, kéo anh chúi mũi về phía trước. Anh vơ vội vài nắm rau muống rồi dúi vào ba lô, cho nằm cùng với ít gạo cho hai ngày đường và tí thuốc aspirin. Anh thù đi hành quân vào những đêm mưa dầm như thế này. Mưa làm anh nhớ nhà khôn xiết, nhớ đến một chiều trời mưa lâm râm, bên mấy vông khoai lang tăng gia sản xuất, người bạn gái cùng anh che chung một cái poncho quân đội, cùng lắng nghe tiếng mưa rơi tí tách trên poncho, trên từng ngọn lá, cùng với tiếng tim đập rộn rã trong lồng ngực như đang hòa thành một bản tình ca muôn thuở. Hai đứa đứng run người vì lạnh. Nàng nhìn anh mỉm cười. Anh ngại ngùng nhìn giòng nước mưa, như một giòng sông nho nhỏ, chảy ngoằn ngoèo giữa hai vồng lang. Rồi anh quay lại nhìn nàng, vụng về quàng tay ôm nàng sát vào mình hơn. Rồi người con gái ấy hôn anh. Rồi anh hôn nàng. Ôi cái nụ hôn đầu đời. Anh thấy mình ấm hẳn cả lên với cái ấm tỏa đi từ lồng ngực đang rực cháy lan dần ra chân tay hãy còn lạnh cóng. Anh đê mê chất ngất với trái tim đang bừng lên một sức sống mãnh liệt. Cơn mưa nhỏ như không đủ sức dập tắt ngọn lửa đang cháy bừng trong anh. Anh muốn nhảy tung lên, muốn quỳ xuống, muốn ôm hôn mặt đất, muốn ôm hôn tất cả mọi người…Bây giờ nơi ấy mưa hay nắng, nàng đang làm gì. Em ơi! Em có biết giờ nầy anh mới hiểu thế nào là thèm, thèm những thứ rất đơn giản, rất nhỏ nhoi, như một nắm rau muống rừng mới luộc chẳng hạn. Bây giờ anh mới biết thế nào là sợ. Sợ chết vì sốt rét, vì đói , vì đạn, vì hầm chông, vì mã tấu, vì B-40 của địch. Giờ đây chung quanh anh là tối đen. Cái đen tối của tử thần đang giăng bẫy bủa vây. Trong cái tối tăm rợn người đó, một loạt đạn súng trường CKC vang lên. Người lính toát mồ hôi, bóp cò súng, bắn túi bụi, vung vãi không có mục tiêu nào cả. Bắn súng để bớt sợ, để tự trấn an là mình còn sống…Hết đạn. Bóp cò. Hết đạn. Không. Anh không muốn chết. Một loạt đạn AK vang lên…hắn gào thét…Không… Không phải, vẫn tiếng đạn AK hoà tan với tiếng mưa rừng rộn rã…Không phải…Anh đã chết…
Anh thấy rõ ràng tia máu đỏ bắn vọt ra khỏi đầu của mình…..
Ðạn vẫn nổ giòn từng hồi….

Ba…
…Tiếng chuông điện thoại reo vang trong cánh rừng tối tăm mịt mùng. Anh giật mình, bắn người tỉnh dậy. Dụi mắt, càu nhàu, anh nhoài người ra khỏi giường, quờ quạng trong bóng tối, nhấc ống nói:
– Xin lỗi đã đánh thức ông dậy. Có người bị đạn bắn vào ngực. Phải đem vào phòng mỗ gấp. Xin ông đến ngaỵ Vẫn cái giọng nói eo éo quen thuộc mang nặng đặc tính của miền Nam Mỹ, lúc nào cũng kéo dài từng tiếng, của cô tổng đài điện thoại người Texas.
– Tôi đến ngaỵ

– Thank you, doctor Lee.

Anh hơi bực mình. Đã hơn trăm lần mà cái cô nầy vẫn chưa phát âm đúng tên họ của mình. Giá như mọi lần thì anh đã chỉnh cho cô ấy rằng tên của anh là Lê chứ không phải Lee.  Nhưng thôi, mất công lắm. Cúp điện thoại, anh lê mình vào phòng tắm, mở nước xối ào ạt cho tỉnh người. Tắm vội vã vào buổi sáng, những khi phải vào bệnh viện khẩn cấp như thế này, không bao giờ đã thèm cả.
Năm giờ rưỡi sáng trời hãy còn tối lắm. Xa lộ, khói sương mù cuồn cuộn sát mặt đường, rộng thênh thang và hun hút như một đường hầm không cùng tận. Cặp đèn xe lao vun vút hơn 70 miles một giờ nhưng vẫn không thể tiến xa hơn 30 thước. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe hàng phóng ngược chiều, chói đèn lòa mắt. Thêm một xe hàng khác từ đằng sau chiếu đèn dội vào kiếng chiếu hậu. Bức màng sương đằng trước đột nhiên chói loà ánh sáng. “Assh@le!”. Anh quay cửa kiếng xuống, chửi vói theo. Biết là người lái xe hàng không thể nào nghe được mình, nhưng vẫn chửi. Cho đỡ tức. Thế thôi. Chiếc xe chao đi. Anh lạc tay lái. Mở radio. Âm điệu nhạc rock vang lên hòa với tiếng gió ào ạt qua khung cửa sổ làm anh bớt cơn buồn ngủ. Ngủ. Ngủ là một nhu cầu, hơn cả ăn uống. Thở dài. Thêm một ngày nữa như mọi ngày, thức dậy trước mặt trời khi mặt đất còn phủ đầy sương, để đêm về khi trăng đã lên đỉnh đầu, lái xe lảo đảo vì cơn buồn ngủ đè nặng lên mí mắt sau hai ba ngày đêm làm việc không ngủ…
– Ở đâu rồi?
– Phòng mổ số 4.
Người y tá trực chồm dậy từ trong tư thế ngủ gật. Anh đạp cửa vào phòng thay đồ. Hai cánh cửa đong đưa lắc lư như cửa vào những quán rượu miền Viễn Tây trong mấy phim cao bồi. Người y tá chột dạ, như sực nhớ một điều gì:
– What year is it?
– What?
– I asked what year it is.
– Horse. Year of the horse. Horsin’ around with all these f # kin’ GSW’s, Johnnỵ.

GSW, Gun Shot Wound, bị thương vì đạn bắn. Người y tá đen, bụng to, cổ bự, và giọng nói the thé, nhe miệng cười nham nhở:
-Yeah, I thought year of the pig huh? Have fun with those gun-shot-wounds! Happy new year, Doc.
-Thanks. Same sh*t, different day!
Same old sh*t. “Một ngày như mọi ngày”. Chẳng có gì đáng nói về những ngày tết của mình ở xứ người tạ ít ra thì lão John mập, ngủ gà, ngủ gật cũng còn để ý tới.
Rửa tay xong, anh xoay người, dùng lưng đẩy cửa phòng mổ. Cô y tá quàng chiếc áo mổ lên cho anh. Ketterson, người y sĩ thực tập hậu chuyên khoa về tim và lồng ngực, vội vã tường trình. Đó là một bài chú, rập theo một khuôn mẫu nhất định mà mọi người bác sĩ đều thuộc lòng những năm đầu trường thuốc. Từ bài chú định khuôn ấy, người nghe có thể tiếp thu những dữ kiện chính dễ dàng, nhanh chóng:
– 38 year old man, GSW, chest, left neck. Hey hey, step aside Alvarez.
Ketterson đột ngột ngưng nhịp điệu của bài vè, hất cằm, ra lệnh cho cô bác sĩ nội trú bước qua một bên nhường chỗ cho anh.
Vừa mang xong đôi bao tay cao su, anh cúi xuống nhìn vào lồng ngực của nạn nhân, đã được mở tung ra bằng dao mổ. Vết cắt thẳng băng từ phía dưới xương đòn gánh cho đến tận chấn thủy. Viên đạn bắn từ sau ra trước, đi qua thùy giữa của lá phổi bên phải, gần khí quản. Máu rỉ ra từ vết thương, thấm loang lổ tấm khăn đắp màu xanh cứt ngựa. Anh buồn nôn.
– I wanna puke – f#ck! Suck the goddamned  blood. Don’t just stand there and pray. God is on vacation. Just us here. Do you understand?
“Tao muốn ói. Hút máu lẹ lên. Đừng đúng đó cầu kinh. Chúa đi nghỉ mát rồi. Chỉ có chúng ta thôi. Cô hiểu chưa?” Xắn cao đôi bao tay cao su lên khỏi cổ tay một cách sốt ruột, Ketterson nhăn mặt, gắt gỏng, dúi mạnh cái ống hút vào tay người nữ bác sĩ trẻ, Patricia Alvarez. Tội nghiệp, mắt cô tròn xoe sau cặp kiếng cận trệ xuống sống mũi. Sau cái mặt nạ giấy, chắc hẳn miệng cô cũng đang tròn xoe mở lớn. Có lẽ đây là ca mổ lồng ngực đầu tiên của cô. Lính quýnh, Patricia đưa vòi hút vào chỗ máu đang xì, sùng sục như một ống nước bể.
Một tia máu phóng vọt lên, văng tung tóe….

Bốn…

Người tù binh bị lột trần. Chỉ còn cái quần xà lỏn. Mình hắn đầy vết tím và bầm dập vì những trận đòn thù. Đoạn dây dừa một đầu kết nút thòng lọng siết chặt cổ nạn nhân, đoạn kia kéo dài ra sau lưng và trói thúc ké, bẻ quặt cánh tay người tù ra sau lưng. Hắn đang quỳ bên cạnh một bờ suối. Mặc dù mắt của hắn bị bịt kín bằng mảnh vải được xé ra từ chính cái áo trận của mình, hắn nghe rõ tiếng suối chảy róc rách. Tiếng tim của hắn đang đập thoi thóp trong lồng ngực. Tiếng thở nặng nề.
Có nhiều cách để xử tử bọn tù binh Nam Man. Có khi thì bắn bằng K-54 từ sau ót ra phía trước, Nhưng người phương Bắc không thể phí đạn như thế. Chúng thích dùng dao lá mía, tên gọi như thế, vì lưỡi dao dài và mỏng như lá mía, để cắt cổ nạn nhân từ đằng trước ra đằng sau. Hoặc, đâm lưỡi dao từ trên xuống dưới qua hang cua của tử tội. Hay từ đằng trước ra sau, đi từ dưới xương sường lên tim bên trái.
Người tù cúi đầu. Chờ đợi cái chết. Cái chết có thể tới bất cứ lúc nào, từ phương hướng nào. Tiếng mấy thằng Tàu cười nói xi xa xí xồ. Anh nghĩ tới người yêu. Anh nghĩ tới buổi chiều mưa bên cạnh người yêu cạnh vồng khoai lang….

Năm…

Hắn nhớ đến một buổi chiều Hè lộng gió, hắn đã đi lang thang tìm người yêu, Diễm, trên bến đò Hà Thân. Gió mằn mặn của những thùng muối cá biển Mỹ Khê, gió nóng ẩm từ Trường Sơn thổi vào, hòa với gió của sông Hàn chan chứa. Cơn gió Hè quen thuộc của những trận đánh đẫm máu năm 72. Của những ngày ấu thơ sợ hãi nhìn những người lính Cộng Hòa mệt mỏi trở về từ chiến trường Hạ Lào. Của những ngày trốn pháo kích giữa trưa. Của những ngày hỗn độn của tháng Tư 75, khi những người bộ đội từ phía bên kia tiến vào trong sự rút chạy hỗn độn của quân đội Cộng Hòa. Của những xà lan trôi ngoài cửa biển, đầy xác người chết hôi thối, phần chết vì đạn, phần chết vì nắng thiêu và đói khát. Người ta kể, máu đổ loang đỏ cả bãi biển Non Nước khi một đại đội Thủy Quân lục Chiến bị đốn hạ cho dù đã buông súng đầu hàng.
Khi hắn rẽ vào con hẻm dẫn đến nhà Diễm thì trời vừa nhá nhem tối. Mặt trời vừa lặn bên kia sông Hàn. Những đám mây vần vũ, lũ lượt kéo nhau chạy từ phía bên kia ngọn núi Sơn Chà rồi khuất dần về phía Ngũ Hành Sơn. Trăng mười bốn chưa tròn hẳn, nhưng cũng đủ sáng soi đường cho người con trai đi sâu vào xóm đạo quen thuộc sau nhà thờ Khiết Tâm. Dưới tàng hoa sứ tỏa hương thơm quen thuộc, bóng một người con trai bên cạnh chiếc xe đạp đang rù rì chuyện trò với một người con gái. Hình như nhận thấy hắn đang đến gần, cái bóng ấy vội vã quay xe chạy ngược ra đầu ngõ.
– Ai thế?
– Sơn.
Diễm trả lời cộc lốc không chối cãi.
– Nó đến nói cái gì?
– Sơn cũng bị bắt đi nghĩa vụ kỳ nầy, anh biết không?
– Em lo cho nó lắm phải không?
Hắn ghen tuôn, nhấn mạnh chữ “em” với Diễm như khẳng định là cô đã thuộc về mình rồi. Mọi người như lén lút sợ sệt. Kể cả Sơn, thằng bạn của những mùa hè, tồng ngồng hết tắm sông Hàn đến biển Mỹ Khệ Mọi người bây giờ nghi kỵ lẫn nhau. Không còn giống những ngày đầu giải phóng, khi Hội Thanh Niên Giải Phóng tụ tập thanh niên vào mỗi tối thứ bảy để sinh hoạt văn nghệ và học tập đường lối mới của cách mạng, mới lần đầu hắn biết được tên của Diễm. Hắn thích được gần Diễm, mê được nói chuyện với Diễm, thèm một nụ cười hiếm hoi của Diễm. Những buổi họp mặt những đêm không ngủ, Diễm chỉ ngồi im lặng, cắn môi tư lự, nhìn đăm chiêu vào ánh lửa trại chập chờn, tay vẽ những đường ngoằn ngoèo trên cát. Có lần hắn để ý thấy mắt Diễm long lanh hoen ướt. Diễm khóc. Bố Diễm bị đi cải tạo. Hắn thấy thương và tội nghiệp, nhưng ngại ngùng không dám nói. Một đêm, bên ánh lửa hồng, người tình si hát một bài nhạc của mình viết, thầm ý muốn tặng cho Diễm. Hình như Diễm hiểu, có vẻ đăm chiêu và suy tư hơn, lắng nghe anh hát. Xong bài hát, Diễm mĩm cười nhưng vẫn cố tránh nhìn thẳng vào mắt hắn. Bối rối, hắn tự trách mình sao ngu thế! Hát làm gì? Phải chi cứ giữ bài hát ấy bí mật thì có hay hơn không! Tại mình hát ra nên sự si tình của mình trở thành tầm thường quá. Sơn, ngồi cạnh Diễm, hình như hiểu ý lay vai bạn nói đùa:
– Mây sầu giăng mắt Diễm rồi, Diễm ơi.
– Con khỉ, làm như mình sắp mù đến nơi rồi ấy.
Diễm cố bào chữa, nhưng vẫn không giấu nổi nụ cười bẽn lẽn nở trên môi. Bên ánh lửa chập chờn má Diễm đỏ hồng lên. Hắn cũng nghe mặt mình bừng nóng hơn tự lúc nào, lắp bắp cảm ơn sự tán thưởng của bạn bè, rồi vội vã ôm đàn quay bước đi về nhà. Hắn thấy mất tự nhiên nếu phải ở lại lâu hơn nữa, dù chỉ một vài phút nữa thôi. Không biết Diễm biết mình viết bài hát đó cho Diễm hay không? Quyết định chưa về nhà vội, hắn quay bước về phía bờ sông. Gió từ ngoài sông thổi vào lành lạnh. Thấy thoải mái hơn. Tìm một tảng đá lớn, ngồi xuống, gã si tình gác đàn lên đùi, chống cằm lên thùng đàn, nhìn ra ngoài suy nghĩ mông lung. Trời đêm ấy trong và cao, với vài đám mây nhỏ lững lờ trôi. ánh trăng chiếu xuống nước lấp lánh chập chờn. hắn dạo đàn và hát nho nhỏ, để hồn hòa nhẹ lên tiếng sóng vỗ nhè nhẹ lên ghềnh đá. ” Muốn nói cùng em, đôi lời trìu mến. Tim anh băng giá đang ngại ngùng câu năm tháng mong chờ..”
– Bắt quả tang chơi nhạc Ngụy nhé. Phải đi báo cáo với chi đoàn mới được.
Hắn bực mình quay lại, tính cự Sơn vài câu, nhưng lại bối rối khi nhìn thấy Diễm đang đứng bên cạnh.
– A hạ Chàng và nàng phải thưởng ông mai nầy cái gì đi chứ. Hai cái đầu heo đấy nhá.
Giọng Bắc kỳ của Sơn leo lẻo. Quay qua Diễm, không ngừng để lấy hơi thở Sơn tiếp tục:
– Tôi đã bảo là hắn chưa đi xa cơ mà.
– Suỵt. Quỷ có im không?
Diễm nhéo vai bạn gắt gỏng rồi hạ giọng:
– Cứ hát nữa đi cho tụi Diễm thưởng thức với..
Diễm nói, bỏ trống danh xưng.
– Cám ơn Diễm, buổi văn nghệ chấm dứt rồi à?
– Rồi. Tụi Diễm ngồi xuống đây một lát có được không?
– Không sao. Cứ tự nhiên…
Ngượng ngùng, lính quýnh, hắn tự trách mình là thằng ngố, giống kép hát cải lương. Khi Diễm và Sơn đã ngồi xuống cạnh, người nhạc sĩ nghiệp dư tiếp tục dạo đàn nho nhỏ, không theo một âm điệu nào rõ rệt cả. Bàn tay anh ta ngượng nghịu, ngón tay bức rức tê dại trên phím, những sợi dây đàn bỗng dưng xa lạ buông cung đàn rời rạc, lạc lõng trong tiếng gió lồng lộng thổi vào từ ngoài sông. Diễm im lặng ngồi ôm đùi nhìn ra ngoài. Tóc cô buông xỏa chạm trên bãi cỏ, cằm tựa lên gối, vành môi hơi cong ra, ương ngạnh. Cái im lặng làm cho hắn nửa khó chịu, nửa thoải mái.
Muốn nói vài câu, nhưng ngại ngùng, cứ sợ điều mình nói ra vô duyên lắm. Cũng may, Diễm mở lời nhắc bạn:
– Đi về thôi. Khuya rồi.
Hắn vác đàn lên vai, lửng thửng theo bạn đi về nhà. Phố phường đã ngủ qua một ngày mới.Tới đầu ngõ nhà mình, Sơn lẹ làng lẩn mất sau hàng cây dâm bụt. Hắn đưa Diễm về tận cửa nhà. Diễm chợt hỏi nhỏ:
– Có rảnh dạy cho Diễm học đàn với, Diễm thích lắm.
– Được…mà…Diễm học đàn để hát cho ai nghẻ Hắn ngạc nhiên, thấy vui vui, phải nói là mừng run lên được.
– Khi nào buồn, Diễm hát một mình, một mình thôi…Mà anh cho Diễm xin cái bài hát mà anh hát hồi tối có được không? Diễm sẽ hát nhạc của anh viết. Em thích bài hát đó lắm.
Hắn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, nghe thân thể mình chợt nóng chợt lạnh rất khó tả. Diễm xin bài hát ấy? Đương nhiên là của Diễm rồi. Hơn nữa đây là lần đầu tiên Diễm gọi hắn bằng “anh”, xưng “em”. Đang suy nghĩ mông lung, chưa kịp trả lời thì Diễm đã nắm lấy tay áo của hắn lay nhẹ:
– Được không?
– Được…bữa nào đưa chọ..khuya lắm rồi, Diễm vào ngủ đị Ngập ngừng, bỏ trống danh xưng, vì không biết phải trả lời làm sao. Anh ta mường tượng ra một lối rẽ quan hệ tình cảm mới, mà lối thoát hay nhất là cắt ngang cuộc đối thoại, bảo Diễm đi vào nhà. Diễm quay gót vào nhà, vùng vằng khó chịu.
– Tuần tới Diễm có đi sinh hoạt không?
Hắn vói theo.
– Chưa biết.
Diễm đáp cộc lốc hơi dỗi. Hắn giận mình sao ngu quá. Nhưng đã trễ. Diễm đã khuất bóng dưới mái hiên. Anh ta ngắt một bông hoa sứ, vò nát trong tay, thờ thẫn đi về nhà, nghe lòng mình như một sợi dây đàn sai cung điệu. Chùng hẳn xuống.
Đó là lần đầu tiên hắn ngỡ ngàng lúng túng chưa dám gọi Diễm bằng em. Mãi cho đến nay hắn chưa bao giờ tỏ tình với Diễm cả. Diễm cũng chưa bao giờ nói “Diễm yêu anh”. Nhưng cả hai vẫn thích được gần nhau…
– Anh ghanh với Sơn? Sơn chỉ là bạn của anh, của Diễm.
– Còn anh?
Diễm lúng túng. Hắn chột dạ, đánh trống lảng:
– Diễm xuống bến đò uống nước mía với anh không?
Diễm khẽ gật đầu. Cả hai sánh đôi về phía bờ sông. Trăng đã lên cao. ánh trăng chiếu qua hàng cây phượng ven đường, rơi xuống đất, tạo thành những hình thể kỳ lạ múa máy chập chờn, khiêu vũ theo cung nhạc ve sầu inh ỏi.
Hắn gọi hai ly nước mía.Thật hết sức buồn cười, với khẩu phần nửa ký lô đường đen mỗi người mỗi tháng, chất ngọt trở nên một nhu cầu, ly nước mía trở nên tuyệt diệu nhiệm mầu không thể tả. Hắn xoay tròn ly nước, bâng khuâng, rồi áp nó lên má, bàng hoàng với cái lạnh toả rạ Diễm nheo mắt, co rút cổ vì cái lạnh truyền đi trong ống hút. Vân vê cái ống hút, Diễm nhìn hắn cười nhỏ nhẹ. Chao ơi, muốn cười với Diễm ghê đi!
– Bây giờ Diễm mới biết tại sao hôm qua anh hát buồn như vậy?
Hôm qua, trong tiệc đưa quân, cả hai hát bài ruột của mình:
“Tay anh phá đá, tay em đào sỏi, Ngồi trong xe củi anh nhớ những ngày hè Chân lội qua khe em nhớ mùa đông giá Ta nghe trong gió bao nhiêu chuyện lạ Ngày xưa đi học, anh hỏi em thích nghề gì?”
Hắn hơi ngạc nhiên khi Diễm nhanh nhẹn trả lời: “Em thích làm bộ đội”, khác với “Em thích nghề thủy lợi” mọi lần khác.
“Nay da em nâu tươi màu suy nghĩ Cũng mùa phượng vĩ hai đứa mình cùng đi Cũng mùa phượng vĩ ta nhớ mộng ngày thi”
Hắn đốt một điếu Lao Động. Hơi thuốc lá nội hóa làm anh không quen, ho sặc sụa.
– Anh hư lắm, bày đặt hút thuốc nữa, không giống ai hết -…
– Bữa nào anh đi  – Chủ nhật. Thứ bảy lãnh quân trang.
– Anh bắn súng AK giỏi không. Nếu giỏi thì không sợ chi hết.
Diễm cố đùa. Anh ngồi lầm lì, lượm từng viên sỏi, quăng ra thật xa, rồi lắng nghe tiếng sỏi rơi chạm nước. Từng tiếng, rồi từng tiếng vang lên lạc lõng trong cỏi lòng rổng tuếch….

Sáu…

Từng tiếng, rồi từng tiếng. Tiếng suối róc rách. tiếng mưa rơi róc rách. Người tù hít sâu những hơi thở cuối cùng.
Cái chết có thể đến với anh trong tích tắc. Tích tắc. Tích tắc…
Một tràng đạn AK. Máu vọt xuống đầu người tù. Thây người gục ngã bên bờ suối cạn.
Giòng máu bắn vọt lên, văng tung toé….

Bảy…


…Máu đỏ nhạt nhòa. Nhạt nhoà trước mắt anh.
– Goddammned! You’ ve got hit, Lee.
Ketterson gào thét. Cô y tá quơ vội khăn, chậm những giọt máu vung vãi trên trán của anh. Máu nhoè cái mặt nạ che mắt bằng plastic.
– I am sorrỵ..Patricia lính quýnh.
Johnson người bác sĩ thường trú, nhanh tay kẹp lấy động mạch đang xì máu. Bốp. Đầu mạch máu bị điện cháy, nổ một tiếng nho nhỏ, tắt ngúm. Một làn khói mỏng nghi ngút bốc lên như từ một mỏm núi lửa tí hon vừa tắt.
– Good shot, Johnson! Good shot, man.
Ketterson reo hò cổ võ, tay múa may con dao mổ.
– Knife down, sir! What’s so funny about it?
“Ngài làm ơn đặt con dao xuống! Có gì mắc cười hả”. Anh bực dọc. Ketterson cụt hứng. Hắn độ cùng trang lứa với anh, chưa quá 40, nhưng với vần trán hói hắn có vẻ già hơn anh rất nhiều. Tuy thế, nhiều lúc hắn lại có vẻ ngây thơ như một chú bé. Y người South Carolina, thích tán gẫu, nói dông nói dài, y hệt giọng nói của hắn, bao giờ cũng kéo ra như kẹo kéo, uốn éo, một chữ thành hai. Để được lãnh tiền trợ cấp đi học Y khoa, y đã đăng ký vào binh chủng Không Quân Hoa Kỳ, hiện đang đóng lon Thiếu Tá trừ bị. Hôm trận chiến Bão Sa Mạc xảy ra, hắn rầu thúi ruột khi nhận được tin gọi tái ngũ. Cũng may, trận chiến quá ngắn ngủi, chấm dứt trước ngày hắn phải trình diện. Đứng bên cạnh Ketterson thấp bé, Johnson trông như ông thần đèn trong chuyện cổ Aladin. Y là một người Mỹ da đen từ tiểu bang Georgia, cũng là một Đại úy Trừ bị Thủy Quân Lục Chiến. Johnson là người đầu tiên trong giòng họ đã trở thành bác sĩ. Có một lần không biết hai thằng cãi cọ làm sao, kéo nhau ra hành lang, thằng đen rút dao găm, thằng trắng kéo Colt 45, để cho thằng vàng, là anh, phải van lơn, giải hòa.
Máy bơm dưỡng khí sì sụp thúc hối bảo khâu chỗ nầy. Máy đo nhịp tim tích tắc nói vá chỗ kia. Dao kéo truyền tay. Cả phòng mổ như một đoàn vũ nhịp nhàng xoay chuyển chung quanh bàn mổ. Một vài tiếng chửi thề. Bullsh*t. Máu tiếp tục chảy. Kim đồng hồ vẫn quay thúc hối. Một vài mẩu chuyện phiếm tục tĩu. Các ông ăn nói tục tĩu quá, bệnh nhân sẽ thức dậy bây giờ. Cô y tá phàn nàn. Càng hay chứ sao, Nixon sẽ hài lòng vì những tiếng chửi thề của ông đang được ứng dụng để cứu người trong y khoa hiện đại. Từ thằng dân quèn đến ông tổng thống, ai cũng chửi tục. Chửi. Bớt căng thẳng. Tiếng chửi thề ở Mỹ không phản ánh đúng trình độ văn hoá hay tư cách của cá nhân người chửi thề. Chửi có văn hoá khác chửi thề không văn hoá, tuỳ theo trường hợp. Một lần, khi hay tin một bệnh nhân vừa qua đời trong phòng hồi sức sau một ca mổ, một vị giáo sư y khoa có tiếng tức mình chửi thề xối xã, đổ trên đầu bọn bác sĩ nội trú và sinh viên y khoa. “Tụi bây là đồ mất dạy, đồ vô lại, đồ vô tích sự. Cút ngay! Về nhà bú vú mẹ!” Sống trong căng thẳng thường xuyên, sau những năm tháng dài huấn luyện, làm việc liên tiếp hai ba ngày không ngủ, sự cộc cằn thô tục trở thành đương nhiên. Mười sáu năm huấn luyện đã biến đổi những con người như anh thành một giống người mới dị biệt, đúc kết tất cả những cái xấu của lớp đi trước để tôi luyện cho lớp đi sau. Sau năm nội trú thứ hai, một lần anh không cầm máu được một động mạch, người bác sĩ đàn anh ra lệnh anh…chửi thề. Hắn nói, “Mày tức thì cứ chửi. Mày nghe tao nói đây thằng Chệt, chửi đổng lên cho tao! Vì chửi xong mày sẽ thấy thoải mái vô cùng!” Mà thật, thằng quỷ đàn anh nói đúng. Thế đó, người ta chỉ nhìn thấy cái hào nhoáng, cái lịch lãm bên ngoài của những người y sĩ, mà không làm sao hiểu được những nỗi khổ chất chồng bên trong. Tự nhiên, nhiều y sĩ trở nên cô độc trong cái thế giới riêng của mình.
Cuối cùng rồi cũng xong. Anh thở dài thật sâu. Khoan khoái. Thỏa mãn. Niềm vui của một lực sĩ điền kinh chạy đua dường trường gần đến đích. Niềm vui của kẻ cắm ngọn cờ trên đất địch.
– Bác sĩ Lê, Johnson và tôi có thể đóng lồng ngực của bệnh nhân, không cần ông giúp nữa. Ông có thể đi uống một ly cà phê được.
Ketterson bao giờ cũng đề nghị anh đi nghỉ sớm mỗi khi gần xong cuộc giải phẫu. Anh nhìn đồng hồ. Hai giờ trưa. Ngoẹo cổ sang trái, rồi sang phải, đằng trước rồi đằng sau cho đỡ mỏi, anh lẩm bẩm sau cái băng bịt miệng lúc nầy làm anh khó chịu, nghẹt thở.
– Good job guys…and you too.
Anh quay qua Patricia. Cô sinh trưởng tại El Paso, con gái một gia đình tị nạn từ xứ Honduras. Nhìn khuôn mặt phờ phạc và mỏi mệt của cô, anh thầm thán phục và thương hại cho những người con gái học cao.
– Tôi xin lỗi đã có lời thô tục.
– Không. Tôi hiểu. Sir.
– Cô sẽ là một bác sĩ giỏi.
– Vâng. Cám ơn.

Tám…


…Từng tiếng, rồi từng tiếng….
Nhịp bíp của chiếc máy điện tâm đồ từ từ rời rạc. Anh ngồi cạnh giuờng người bệnh, sốt ruột gõ nhịp cây bút lên chiếc bàn nhỏ theo nhịp tim của người bệnh. Trong góc phòng, thằng bé lên một bụ bẫm ngồi trong lòng mẹ nó, nút núm vú giả chùn chụt. Mắt nó tròn xoe, nhìn anh có vẻ tìm hiểu. Trong chiếc ghế bành da màu mỡ gà kê sát tường, người đàn bà nhỏ nhắn, mẹ thằng bé, như nhỏ hẳn lại. Một tay ôm con, tay kia bà che mắt, nấc lên từng hồi nho nhỏ. Tất cả là một điệu nhạc loạn nhịp, xoáy vào lòng người y sĩ. Điệu nhạc ai oán não nùng của thần chết.
-Tube out, Sir?
Lấy ống ra? Người y tá nhỏ nhẹ nhắc. Tạm thời chuyển đoạn của điệu nhạc.
-Yes. Extubate him.
Rút ống thở dưỡng khí ra. Anh ra lệnh cho người y tá nhưng hình như không nghe chính tiếng của mình vọng lại. Nhịp tim cách xa và rời rạc lần. Anh biết cái chết đang loang dần trên thân thể người bệnh. Chết từ từ trong từng mạch máu nhỏ li ti. Từ tận cùng tứ chi lan dần đến thân thể trung ương theo nhịp điệu loãng tan dần và rời rạc của điện tâm đồ. Những mảnh biểu đổ được khạc ra từ họng chiếc máy như những tấm biên nhận cuối cùng của sự sống.
Anh vẫn gõ đều cây bút trên mặt bàn. Hình như tiếng gõ của anh nhanh hơn dần? Hình như thằng nhỏ đói sữa nhiều hơn, nút núm vú thêm vội vã? Hình như người thiếu phụ kia khóc mỗi lúc mỗi to dần làm lạc điệu nhịp tim? Hay chỉ là tiếng tim mềm mỏng dần để chấm đứt gần đoạn kết?
-Asystole. Sir.
Tim ngừng đập. Ðường mực kéo thành vệt dài thẳng băng trên tờ biên nhận, giờ đây dài như tấm sớ, vương vãi trên sàn nhà. Người nữ y tá vỗ nhẹ trên vai anh. Cô đẩy miếng bìa nhỏ có kẹp những mẫu hồ sơ đến trước mắt anh. Như được nhận lấy một hoá đơn nhận hàng, xoay đầu bút, anh ngoáy trên mặt giấy:
– Brain death. Cessation of neurological function.
Não bộ đã chết. Hệ thần kinh ngừng hoạt động.
Anh bước ra ngoài hành lang, đến phòng giải lao. Bỏ sữa và đường vào chiếc ly giấy, rót cà phê, rồi tần ngần nhìn màu nước đen, xoáy tròn trên sữa, biến thành màu nâu lạt. Nước cà phê đã nguội có lẽ được pha từ sáng sớm. Không có muổng, anh thò ngón tay trỏ vào ly, khuấy đều, rồi đưa tay lên miệng mút. Xong, lại quẹt tay lên vạt áo mổ để lau khô. Một thói quen bừa bãi từ những ngày còn là bác sĩ thường trú giải phẫu tổng quát. Hả miệng, anh dốc cả ly cà phê vào họng, nhăn mặt vì mùi vị đắng nghét.
Ném mạnh cái ly giấy vào thùng rác, anh trở lại phòng của người bệnh, bước đến bên khung cửa kiếng, bên cạnh người đàn bà trong chiếc ghế da. Thằng bé con đã được trao cho người nhà ở bên ngoài chăm sóc. Anh lơ đểnh nhìn ra ngoài. Ngoài kia bầu trời xanh đục thấp hẳn xuống như một tấm màn cũ nhạt màu được giăng lên trong một rạp hát tồi tàn, làm bình phong cho những tòa nhà cao lêu nghêu màu xám xịt. Ánh nắng vàng cuối ngày hắt nghiêng qua nóc nhà cao của khu bệnh ngoại chẩn, tạo thành cái bóng đổ dài xuống khoảng sân chính của nhà thương. Trong cái bóng râm ấy, một chiếc xe cứu thương bất chợt xuất hiện, đổ bệnh nhân xuống bệnh viện. Đèn chớp trên xe xoay chậm dần. Có thể đây chỉ là một trường hợp nhẹ, hoặc giả bệnh nhân đã tắt thở trên đường đi. Xa xa trên chiếc cầu xa lộ, xe cộ lũ lượt nối đuôi nhau thoát chạy khỏi thành phố. Bỏ lại sau lưng một ngày làm việc mệt nhọc. Một ngày sắp hết. Chiều đã xuống. Âm thầm. Chiều đến. Chiều đi. Đã bao buổi chiều đi qua trong cuộc sống bận bịu. Anh vẫn không hề biết. Không cần biết. Đã lâu lắm, không biết là bao lâu nữa, anh không còn nghĩ đến cái thú lắng nghe hoàng hôn xuống. Không biết là tại vì những vật lộn gay go trong cuộc sống, hay mình thực sự đã già, đã cằn cỗi.
– Em có viết thư cho anh, nhưng không thấy anh trả lời…
Lá thư được viết trên trang giấy học trò nội hóa, màu hoen ố. Lá thư anh đã đọc nhiều lần đến thuộc lòng, vì từ đó anh không còn nhìn thấy những giòng mực tím xa xưa nữa:
” Hôm nay em đi làm về trời mưa. Mưa không dứt. Ngồi bên khung cửa sổ, em nhớ tới anh. Nhớ tới chúng mình bên vồng khoai lang hôm trời mưa năm ấy. Hôm qua em lên thăm mẹ anh. Bác nói anh đã đi xa rồi, thôi em đừng nên tới nữa. Lũ con nít hàng xóm vẫn réo ầm ỉ, bồ chị đi Mỹ rồi, chị Diễm ở lại với ai? Em gắt gỏng mắng chúng. Nhưng. Phải rồi, anh đã đi rồi. Bây giờ anh đã xa em, xa lắm. Không biết có một ngày nào đó, anh sẽ về với em, về với quê hương nghèo khó hay không? Không biết anh có còn nghĩ đến em, tới cái xe đạp cũ mà anh đã đèo em xuống phố. Không biết anh có còn nhớ đến củ khoai sùng mà mình chia nhau bên đống lửa trại hôm nào? Không biết anh có mơ thấy em? Riêng em, từ đây em chỉ biết khép kín cõi lòng mình. Sẽ sống với ước mơ thôi. Cho dù em biết rằng ước mơ sẽ không bao giờ thành sự thật. Nhưng em vẫn cứ mơ. Mơ thật nhiều. Luôn luôn có anh trong giấc mơ của em nữa đó, anh biết không?”
– Nhiều người từ chiến trường phía Bắc hay từ Campuchea trở về. Không có anh trong đó.
Anh bị bắt. Bọn Tàu lột trần anh ra. Sau khi đánh đập và hành hạ, chúng trói gô anh ở bên bờ suối. Mơ hồ, có lẽ là suối Phi Khanh, nơi mà xưa kia Nguyễn Trãi khóc cha, nước mắt chảy thành suối. Nỗi kinh hoàng lên đến tận cùng khi tên lính Tàu lên đạn. Tiếng kêu răng rắc, đạn lên cơ bẩm. Nhắm mắt. Máu vọt ra từ trong tim, trong đầu. Một tràn đạn AK. Đạn xoáy vào tim, vào óc. Anh mở bừng mắt ra để kịp thấy một thân người ngã bịch xuống đất như một cây chuối bị đốn ngang lưng. Sơn bước ra từ bụi rậm gần đó, súng tiểu liên dương cao xoay một vòng dò xét.
Thằng Tàu, nằm giãy tê tê. Tròng mắt trợn trừng, xoáy tròn, kinh ngạc. Tràn đạn bắn từ sau lưng, xoáy tròn, công phá thành một lỗ lớn trước ngực. Tim nó thoi thóp. Phổi nó thoi thóp, cố thở hơi thở cuối cùng. Miệng nó ngáp cố van nài thần chết, bám víu vào cõi sống. Mong manh. Những lời than vô nghĩa. Máu trào, chảy dài xuống khóe miệng. Sủi bọt.
Cúi xuống, nhặt khẩu K-54 của người lính Tàu, hướng mũi súng vào cái miệng đang còn ngáp thở, nhắm mắt, anh bóp cò. Nó còn quá trẻ. Trẻ hơn những hận thù truyền kiếp ngàn đời mà chưa chắc nó đã hiểu tại sao. Nó chết. Nhưng hận thù vẫn sống. Còn anh? Sao chưa chết? Khi nào sẽ chết? Chết cho ai? Cho lý tưởng, cho ước mơ nào? Anh không biết lý tưởng nó tròn hay méo, được người ta sơn vàng hay đỏ, được thổi vào bọn anh phù phép như những con rối, nhưng anh chỉ thấy nơi đây những đầu đen, máu đỏ, cùng với những xương thịt, mà thôi. Ngày còn bé, anh nhớ có một lần, mẹ anh ngồi gọt dưa gan, có nói, chừng con lớn chắc nước mình sẽ thanh bình, và khi đó ruột dưa gan sẽ không còn lộn hột. Có lẽ bà nội cũng từng nói với ba của anh như vậy. Anh không biết khi nào ruột dưa gan thôi lộn hột, nhưng anh biết đất nước có thanh bình một đôi năm rồi lại tiếp tục hy sinh cho một cuộc chiến tranh khác. Những cuộc chiến tranh dài đăng đẳng đó, kéo dài qua bao thế hệ, đã đem lại những gì cho đất nước? Cho bọn lính trần như anh?
– Sau này ai cũng biết là anh đang ở Mỹ, nhưng không ai dám nói. Em lấy Sơn…vì em biết anh không bao giờ trở lại…
– Anh xin lỗi. Anh đã làm tất cả những gì có thể làm được để cứu Sơn.
Diễm ngồi bên anh. Khoảng cách thật gần nhưng dường như xa lắm. Một khoảng cách giờ đây không còn nằm trong tầm với của anh nữa. Nhìn lũ chim đi tìm giấc ngủ mùa Đông bay xa xa cuối chân trời, anh thầm nghĩ mình đã bay nhảy, đã vượt qua không biết bao nhiêu là khoảng cách. Lắm lúc tưởng là một khoảng cách rất xa, nhưng thực ra chỉ là một vài li trong bàn tay tạo hóa. Anh như một hạt điện tử bay nhảy nhấp nhô ngoại tần, tưởng là xa, nhưng bất ổn vòng quanh một quỹ đạo lớn, để giờ nầy nhìn vào trong, nơi ấy Diễm trên một vòng quỹ đạo tuy nhỏ hơn nhưng yên bình phẳng lặng. Giữa nàng và anh gần lắm nhưng cũng xa lắm. Giữa anh và nàng giờ đây là một mặt trời mơ ước. Anh hiểu cả cuộc đời mình săn đuổi hết lý tưởng nầy nầy đến ước mơ nọ chỉ để nhìn những ước mơ ấy lần lượt tan vỡ như bèo bọt ngoài biển khơi.
Tuy nhiên anh vẫn cứ mơ. Mơ thật nhiều. Luôn luôn có Diễm trong giấc mơ của anh nữa đó, Diễm biết không?

Chín…


Tiếng chuông điện thoại reo lên, anh giật mình bừng tỉnh dậy. Dụi mắt, càu nhàu, anh nhoài người ra khỏi giường, quờ quạng trong bóng tối, nhấc ống nói:
– Xin lỗi đã đánh thức ông dậy. Có người bị đạn bắn vào ngực. Phải đem vào phòng mổ gấp. Xin ông đến ngay.
Vẫn cái giọng nói eo éo quen thuộc mang nặng đặc tính của miền Nam Mỹ, lúc nào cũng kéo dài từng tiếng, của cô tổng đài điện thoại người Texas.
– Tôi đến ngay.
– Thank you, doctor Lee.
Cúp điện thoại, anh lê mình vào phòng tắm, mở nước xối ào ạt cho tỉnh người. Lẩm bẩm:
– Same sh*t, different day! Một ngày như mọi ngày!

Dallas, 1990

 

Next Post

Previous Post

© 2024 Vũ Thư Nguyên

Theme by Anders Norén